Tăng động giảm chú ý

Ths.Bs.Trần Thiện Thắng

Trẻ tăng động hay hiếu động quá mức là vấn đề rất phổ biến và được nhiều phụ huynh quan tâm. Theo thống kê của phòng khám tâm lý nhi Cần Thơ thì đây là nguyên nhân phụ huynh đưa trẻ đến khám nhiều thứ hai (đứng sau nguyên nhân chậm nói ở trẻ). Tăng động là một biểu hiện thường gặp ở những trẻ thường và cả trẻ có rối loạn “tăng động giảm chú ý” hoặc một vài rối loạn khác. Để phân biệt nhanh trẻ có phải bị rối loạn không phụ huynh có thể xem xét các khía cạnh như, trẻ tăng động với ai? khi nào trẻ tăng động? trẻ tăng động ở đâu? Nếu trẻ chỉ biểu hiện tăng động với một số người nhất định như với ba mẹ hoặc giáo viên dễ tính với bé… một số nơi nhất định như ở nhà, nhà ông bà… thì có thể các biểu hiện tăng động này chỉ là do bé quá hiếu động hoặc thiếu giới hạn trong giáo dục. Ngược lại, trẻ tăng động ở bất kỳ đâu, với cả những người nghiêm nhất nhất với trẻ và trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì khó khả năng trẻ đang gặp phải rối loạn mà phổ biến nhất là tăng động giảm chú ý (ADHD)

Tăng động giảm chú ý là một rối loạn phát triển ở não bộ làm trẻ mất khả năng kiểm soát sự tập trung và trở nên tăng động. Phụ huynh thường than phiền trẻ lăng xăng quá mức, không thể ngồi yên, luôn gây tiếng ồn và làm ảnh hưởng người khác, ở lớp trẻ tập trung rất kém, dễ bị xao lãng bởi tiếng động ngoài lớp hay chọc phá bạn ngay trong giờ học nên bị giáo viên phàn nàn… Rối loạn thường ảnh hưởng rất lớn đến học tập của trẻ, và một trong những nguyên nhân đến khám phổ biến của trẻ tăng động giảm chú ý là do “giáo viên yêu cầu”. Bên cạnh đó, rối loạn củng ảnh hưởng đến tâm lý và các mối quan hệ của trẻ, nếu không được chẩn đoán và can thiệp sớm, có thể dẫn đến rất nhiều những hệ luỵ khác như bỏ học, rối loạn lo âu, trầm cảm thậm chí sử dụng chất và tự hại…

Về điều trị tăng động giảm chú ý, có thể sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý - hành vi. Một số liệu pháp tâm lý, hành vi phụ huynh có thể áp dụng để cải thiện sự tập trung cũng như thành tích học tập của trẻ như

• Tạo góc học tập cho trẻ. Trẻ cần có góc học tập yên tĩnh, tránh bị xao nhãng. Đối với học trên lớp, trẻ nên ngồi bàn nhất, đối diện bàn giáo viên, tránh cửa cái.

• Chia nhỏ bài học. Vì khả năng tập trung của trẻ không cao, phụ huynh nên quan sát xem trẻ có thể tập trung tốt nhất trong bao nhiêu phút, sau đó chia nhỏ bài học, công việc sao cho trẻ có thể hoàn thành trong khoảng thời gian này.

• Có kế hoạch học và làm việc rõ ràng. Ở mỗi tiết học, phụ huynh hay giáo viên nên cho trẻ biết cụ thể cần làm gì, ví dụ trong 5 phút đầu, 10 phút tiếp theo, 5 phút cuối…. ở giữa các khoảng này nên cho trẻ đứng lên hoặc ra ngoài trong 1-2 phút.

• Gây sự chú ý khi yêu cầu. nhiều phụ huynh than phiền khi giao tiếp có cảm giác như trẻ không chú ý đến mình và thường làm sau hoặc không đầy đủ yêu cầu. để khắc phục phụ huynh nên gây sự chú ý cho trẻ trước khi yêu câu như gọi tên trẻ, sau khi yêu cầu nên bảo trẻ nhắc lại yêu cầu đó rồi mới thực hiện.

Trên thực tế việc điều trị tăng động giảm chú ý còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác trong đó có mục tiêu và sự mong muốn về thành tích học tập từ phụ huynh và nhà trường. Trong nhiều trường hợp cần sử dụng thuốc để cải thiện thành tích học tập của trẻ. Về lâu dài, các triệu chứng tăng động có thể giảm nhưng giảm tập trung có thể theo trẻ đến khi trưởng thành, vì vậy cần có sự định hướng phù hợp về giáo dục cũng như nghề nghiệp khi trưởng thành. Ngoài tăng động giảm chú ý thì biểu hiện tăng động củng hay gặp ở trẻ tự kỷ. Vì trẻ tự kỷ có thể có rối loạn cảm giác đặc biệt là cảm giác sâu, làm trẻ muốn tìm kiếm cảm giác cơ thể nên có xu hướng tăng động hơn. Mặc khác, vì khả năng tương tác kém, khi phụ huynh gọi tên trẻ tự kỷ lúc trẻ đang chơi hay đang vận động thì trẻ không đáp ứng lại, nên phụ huynh cũng nghĩ trẻ tăng động và “giảm chú ý”… Để phân biệt các rối loạn này phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế và có giải pháp can thiệp phù hợp.