Trầm cảm

Lo âu là một trạng thái lo lắng chủ quan hoặc sợ đối với những trải nghiệm thông thường. Tuy nhiên, khi lo âu trở nên dai dẳng và quá mức với những tình huống không thực sự đe dọa thì nó có thể là một rối loạn thật sự. Trên thực tế, ức tính có khoảng 18% dân số bị mắc một rối loạn lo âu nào đó. Hầu hết những triệu chứng lo âu phát triển trước tuổi 21 và nữ giới có xu hướng nhiều hơn nam. Khi một người mắc rối loạn lo âu, nó không tự mất đi mà có thể nặng nề hơn theo thời gian. Có nhiều loại rối loạn lo âu, ám ảnh với các biểu hiện khác nhau, dưới đây là một số rối loạn điển hình thường gặp.



– Rối loạn hoảng loạn: Người bệnh có những cơn hoảng loạn với biểu hiện thường gặp như hồi hộp, tim nhanh, lả mồ hôi, thở ngắn, nghẹn thở, đau ngực, buồn nôn, cảm giác choáng váng hoặc hoa mắt, cảm giác ớn lạnh/nóng, dị cảm, run tay chân và sợ chết, sợ mất kiểm soát hay phát điên. Cơn hoảng loạn kéo dài khoảng 10-20 phút, người bệnh thường sẽ nhập viện trong tình trạng cấp cứu và thăm khám ở nhiều chuyên khoa đặc biệt là tim mạch nhưng đa số không tìm thấy bất kỳ bệnh lý nào. Tuỳ theo mức độ cơn hoảng loạn có thể xuất hiện vài lần/ngày hoặc ít hơn, nhưng người bệnh rất lo lắng sự xuất hiện của nói, làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.

– Rối loạn lo âu lan tỏa: Người bệnh thường lo âu quá mức về các tình huống thông thường mà chính người bệnh cũng nhận thấy là “không đáng lo nhưng vẫn lo”. Thời gian thường kéo dài nhiều tháng kèm các biểu hiện như Cảm giác không nghỉ ngơi được hoặc khó chịu hoặc bứt rứt; dễ bị mệt mỏi; khó khăn tập trung hoặc đầu óc trống rỗng; kích thích khó chịu; Đau đầu, căng cơ; mất ngủ hoặc không nghỉ ngơi được, ngủ không thoải mái.

– Rối loạn sợ khoảng rộng: Người bệnh thường cảm thấy lo lắng, sợ hãi trong những tình huống mà ở sự trốn thoát hoặc sự giúp đỡ trở nên khó khăn hoặc không thể. Ví dụ: người bệnh ở những phương tiện như xe buýt, tàu hoả hay máy bay, trong những không gian này, khi không có bất kỳ người quen nào xung quanh, người bệnh bắt đầu lo lắng vì xung quanh không có ai giúp đỡ và cũng không thoát khỏi đó ngay lập tức được.

– Sợ chuyên biệt: Kiểu sợ kinh điển liên quan đến một vài sự vật đặc hiệu – một vật thể hay tình huống.Như sợ nhện sợ nhện, sợ độ cao, sợ vật nhọn, sợ máy bay … Rối loạn có thể không ảnh hưởng nhiều nếu có thể dễ dàng tránh né được sự tiếp xúc và ngược lại. Ví dụ, một doanh nhân phải di chuyển nhiều nhưng lại sợ máy bay sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc.

– Rối loạn lo âu sợ xã hội: Nỗi sợ hoặc lo âu trong một hoặc nhiều tình huống trước sự quan sát chăm chú của người khác. Ví dụ như phải trình bài trong cuộc họp, nói chuyện trước đám đông hay thậm chí trong lúc nói chuyện với người không quen. Người bệnh có thể trở nên lo lắng, lúng túng, sợ mình bị đánh giá, bị bẽ mặt…

– Rối loạn ám ảnh cưỡng bách (cưỡng chế): Người bệnh có những ám ảnh, sợ hãi trước những sự vật, sự việc nhất định, đồng thời xuất hiện những hành vi cưỡng bách lặp đi lặp lại dù bệnh nhân không muốn nhưng vẫn thực hiện nhằm giảm nỗi sợ, ám ảnh đó. Ví dụ: người bệnh sợ dơ, cứ mỗi lần chạm tay vào vật gì là lại nghĩ tay mình bị dơ nên phải rửa tay và phải rửa rất nhiều lần, đến mức bong cả da tay.

– Rối loạn stress sau sang chấn. Người bệnh bị ám ảnh bởi những ký ức, giấc mơ, sự hồi tưởng về những tổn thương hoặc sang chấn tâm lý nặng nề. Những sự kiện có thể gây ra sang chấn gồm chứng kiến tai nạn, thiên tai, chết chóc kinh hoàng… hay sự kiện có tính bạo lực, tai nạn đe dọa đến tính mạng của bản thân hoặc người thân. Ví dụ: sau khi chứng kiến người thân bị tai nạn nghiêm trọng, người bệnh cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh trong thấy, thường nằm mơ và các hình ảnh dễ dàng xuất hiện khi gặp tình huống tương tự lúc tai nạn xảy ra.

Các rối loạn này có thể xuất hiện cùng nhau và cũng làm gia tăng tần suất các bệnh lý đi kèm như trầm cảm, lạm dụng chất. Các nghiên cứu cho thấy, người bị lo âu kéo dài thường dẫn đến trầm cảm, vì vậy nếu có lo âu bạn cũng nên tìm hiểu thêm về trầm cảm và ngược lại. Các liệu pháp tâm lý – hành vi cơ bản được giới thiệu trong bài trầm cảm cũng có thể được áp dụng. Hiện nay chưa có giải thích rõ ràng cho cơ chế của các rối loạn lo âu, nhưng nhiều giả thuyết, thực nghiệm cho thấy nguyên nhân có liên quan đến các chất dẫn truyền thần kinh. Trên thực tế việc điều trị lo âu cần sử dụng thuốc kết hợp với các liệu pháp tâm lý. Các liệu pháp thường mất nhiều tháng và người bệnh cần có sự kiên trì tập luyện.