Lo âu, ám ảnh

Trầm cảm là một bệnh lý thường gặp đặc trưng bởi cảm xúc buồn và mất hứng thú. Phần lớn mọi người cho rằng trầm cảm chỉ đơn giản là một trạng thái cảm xúc và nhiều người khi rơi vào trạng thái buồn chán hay nghĩ mình bị trầm cảm nhưng không đúng như vậy. Trầm cảm là một bệnh BỆNH LÝ thật sự, cũng giống như bệnh tiểu đường hay tăng huyết áp… Cảm xúc buồn, chán nản bất kỳ ai trong chúng ta đều trải qua, nhưng đa số trạng thái này sẽ biến mất sau một vài ngày. Khi một người buồn dai dẳng và kéo dài liên tục trên 2 tuần lúc này mới thật sự người đó có khả năng bị trầm cảm. Các biểu hiện của trầm cảm gồm:

  • Tâm trạng buồn hoặc không thể cảm nhận được niềm vui. Đối với người lớn tuổi và trẻ nhỏ có thể biểu hiện cảm xúc cáu gắt, dễ giận dữ

  • Mất hứng thú với hầu hết các sở thích trước đây, ít hoặc không quan tâm đến những việc diễn ra xung quan

  • Rối loạn giấc ngủ mà thường là mất ngủ, người bệnh có thể đi vào giấc ngủ nhưng thức giấc sớm và không thể ngủ lại được

  • Ăn uống không ngon miệng, một số người than phiền có cảm giác đắng miệng, chán ăn, sụt cân. Một số ít người lại ăn nhiều và tăng cân nhiều.

  • Suy nghĩ tiêu cực và cảm thấy bản thân tội lỗi, người bệnh như “đeo kính râm” và nhìn mọi thứ trở nên u ám

  • Cảm giác mệt mỏi, không có năng lượng, thiếu sức sống. Tập trung chú ý kém, suy nghĩ và hành động chậm chạp

  • Thường xuyên nghĩ hoặc có hành động tự làm đau bản thân hoặc thậm chí tự sát

  • Một số trường hợp trầm cảm nặng người bệnh có thể nghe tiếng người xung quanh nói chuyện, chê bai bệnh nhân và bảo bệnh nhân đi chết…


Ngoài các triệu chứng về tâm lý người bệnh còn hay gặp các triệu chứng về cơ thể. Khoảng 60% người trầm cảm than phiền thường xuyên đau đầu. Một số khác than có chóng mặt, đau ngực, nặng ngực, uể oải hay đau nhức cơ, các khớp gối, đau dạ dày hay rối loạn tiêu hoá … Đây cũng là những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đi khám, tuy nhiên bác sĩ thường không thể xác định một bệnh lý thực thể rõ ràng. Thường những bệnh nhân có chẩn đoán như “suy nhược thần kinh”, “suy nhược cơ thể” hay “rối loạn thần kinh thực vật” nên được tầm soát, đánh giá nguy cơ trầm cảm hoặc các rối loạn tâm lý khác.

Về nguyên nhân, hầu hết mọi người nghĩ trầm cảm là do các vấn đề về tâm lý hay gặp phải biến cố lớn. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần, bên cạnh các vấn đề tâm lý thì các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin đóng vai trò hết sức quan trọng. Các chất dẫn truyền này được ví như “hormon hạnh phúc”, nếu các chất này sụt giảm sẽ dẫn đến các triệu chứng trầm cảm, làm bệnh nhân rơi vào trạng thái tiêu cực hơn và giảm khả năng chống chọi với stress. Cũng chính vì vậy, trong điều trị trầm cảm từ mức độ trung bình trở lên được khuyến cáo sử dụng thuốc, nhằm tăng cường các chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm. Bên cạnh đó, các liệu pháp tâm lý – hành vi vẫn luôn được khuyến khích để điều trị và dự phòng trầm cảm.

Một số liệu pháp đơn giản giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng

  • Tập thể dục. Không chỉ giúp cải thiện về thể lực, mà tập thể dục còn giúp não sản sinh ra các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine là bệnh nhân thấy hưng phấn và cải thiện triệu chứng trầm cảm.

  • Lập kế hoạch làm việc mỗi ngày. Vào mỗi tối bệnh nhân trầm cảm có thể dùng viết ghi ra các việc dự định làm vào ngày hôm sau, như vậy vừa giúp bệnh nhân quản lý được công việc và có cảm giác “an toàn” hơn.

  • Cho mình cảm giác thành công. Đối với người trầm cảm, họ luôn có cảm giác thất bại, không thể làm được việc gì vì vậy “cho mình thành công” là điều rất quan trọng. Nó giúp bệnh nhân dần lấy lại sự tự tin, đồng thời khi “hoàn thành một công việc” não sẽ tiết ra những chất dẫn truyền thần kinh làm bệnh nhân phấn khởi hơn. Từ việc lập kế hoạch làm việc mỗi ngày ở trên, bên nhân nên đưa vào các công việc nhỏ, đơn giản như: dọn phòng, lau chùi bàn ghế… hoặc thậm chí một “nhiệm vụ” đơn giản là “ăn trái cây vào ngày mai”.

  • Tập suy nghĩ tích cực. Thông thường, con người sẽ có tư duy “tự động tiêu cực” tức là đứng trước tình huống xấu chúng ta thường nghĩ về điều tiêu cực trước, điều này cũng giống như cảm giác đau nhằm bảo vệ chúng ta. Tuy nhiên, ở người trầm cảm thì “tư duy tự động tiêu cực” có thể trở nên quá mức. Vì vậy bệnh nhân cần tập cách suy nghĩ tích cực hơn, để làm được, nên bắt đầu “tập luyện” suy nghĩ tích cực từ những việc nhỏ nhất hàng ngày. Ví dụ: khi mua phải dây sạc điện thoại kém chất lượng, vừa dung 1-2 lần đã bị hư, thay vì suy nghĩ “mình thật xui xẻo” ta nên suy nghĩ “mình thật mai mắn, vì nếu không phát hiện sớm sẽ bị… hư luôn cả điện thoại”

  • “Làm rồi mới khoẻ chứ đừng đợi khỏe rồi mới làm”. Phần lớn bệnh nhân sẽ luôn có suy nghĩ “đợi khoẻ rồi làm” nhưng như đã nói ở trên, công việc giúp bệnh nhân trở nên tích cực hơn, có được cảm giác thành công và cải thiện triệu chứng trầm cảm. Vì vậy, bệnh nhân cần “làm đi” thay vì suy nghĩ quá nhiều hay đợi đến lúc khoẻ, và cũng không cần quá quan tâm đến “chất lượng” việc làm. Trong giai đoạn trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm nặng, bệnh nhân chỉ cần “có làm còn hơn không”, sau đó là làm “hoàn thành hơn hoàn hảo” … Và nếu không thể “khởi động” công việc, bệnh nhân cần có sự giúp đỡ của người chăm sóc.


Các việc người chăm sóc nên làm và không nên làm đối với bệnh nhân trầm cảm

  • Đừng nói những lời sáo rỗng. Người chăm sóc luôn muốn động viên, an ủi bệnh nhân nhưng đưa ra những lời sáo rỗng như “Mọi thứ sẽ tốt hơn” hoặc “Bạn biết gia đình bạn thật sự cần bạn”… mặc dù có ý định tốt, nhưng những lời nói này làm cho bệnh nhân cảm thấy tội lỗi và vô dụng hơn. Thay vào đó, chúng ta nên cố gắng lắng nghe bệnh nhân nhiều hơn.

  • Đừng thể hiện sự quan tâm quá mức. Nhiều người chăm sóc bệnh nhân đặc biệt là cha mẹ khi chăm sóc con cái bị trầm cảm thường có xu hướng “quan tâm quá mức” như suốt ngày hỏi “con khỏe không”, “Con thấy thế nào rồi?”, “Con muốn ăn gì?”… hoặc làm hết tất cả việc cho bệnh nhân ngay đến cả những công việc đơn giản nhất như lấy dép cho bệnh nhân… những việc này làm bệnh nhân cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho người khác và cảm giác mình vô dụng, không làm được bất kỳ việc gì.

  • Chia nhỏ việc để làm. Trong phần lớn trường hợp, bệnh nhân cảm thấy thiếu năng lượng và hầu như không muốn làm bất kỳ việc gì, vì vậy người chăm sóc có thể giúp bệnh nhân chia nhỏ việc để thực hiện, thậm chí chia việc ra từng động tác nhỏ. Ví dụ: khi bệnh nhân không muốn chạy bộ. Đầu tiên, người chăm sóc có thể yêu cầu bệnh nhân đứng dậy, sau đó yêu cầu bệnh nhân đi đến chỗ để giày, rồi yêu cầu mang giày, rồi cùng bệnh nhân đi đến một địa điểm thật cụ thể … như vậy bệnh có thể hoàn thành được bài thể dục.

  • Chú ý đến vấn đề tự sát. Ưu tiên hàng đầu ở bệnh nhân trầm cảm là xác định vấn đề tự sát. Nếu bệnh nhân có ý định tự sát hoặc nghe những giọng nói ra lệnh cho họ tự sát, thì việc giữ bệnh nhân trong một môi trường an toàn là hết sức cần thiết. Nếu bệnh nhân có kế hoạch tự sát, cần hỏi thêm để làm rõ ý định và kế hoạch tự sát. Phần lớn chúng ta cho rằng việc hỏi về ý định tự sát sẽ khơi gợi ý định tự sát của bệnh nhân nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc này sẽ giúp chúng ta có kế hoạch dự phòng và làm giảm nguy cơ tự sát của bệnh nhân.

Ở trên là những liệu pháp tâm lý – hành vi cơ bản và những điều cần thực hiện ở bệnh nhân trầm cảm. Bên cạnh đó, khoảng 60% bệnh nhân trầm cảm có triệu chứng lo âu, vì vậy bạn đọc cũng nên tìm hiểu về các rối loạn lo âu thường gặp, mặc khác, một số bệnh nhân trầm cảm có thể là giai đoạn trầm cảm của một rối loạn lưỡng cực, tức là bệnh nhân sẽ có những lúc trở nên hưng cảm với các biểu hiện như hưng phấn, vui vẻ quá mức, nói nhiều, dùng tiền nhiều, thiếu cân nhắc… vì vậy bạn cũng nên tìm hiểu về hưng cảm để có sự dự phòng thích hợp cho bệnh nhân.