Rối loạn phổ tự kỷ

Ths.Bs.Trần Thiện Thắng

Rối loạn phổ tự kỷ hay thường được gọi là “tự kỷ” là một rối loạn phát triển thần kinh phức tạp ở trẻ. Tự kỷ có thể làm trẻ trở nên đặc biệt hơn so với những trẻ còn lại, trẻ có thể thông minh hơn trẻ thường trong một số lĩnh vực như khả năng ghi nhớ và sắp xếp trật tự các đồ vật… nhưng trẻ gặp khó khăn về khả năng giao tiếp với người khác, sở thích và hành vi của trẻ đôi khi khó hiểu với phần lớn mọi người. Các biểu hiện của tự kỷ thường được thấy trước 3 tuổi và hay gặp nhất là chậm nói, đây cũng là nguyên nhân hay gặp nhất đẫn đến phụ huynh đưa bé đi khám. Tỷ lệ tự kỷ được báo cáo ngày càng gia tăng, ở Việt Nam các nghiên cứu diện rộng cho thấy khoảng 1% trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ và tỷ lệ trẻ trai cao gấp 5 lần so với trẻ gái. Ở Hoa Kỳ, theo số liệu mới nhất của CDC năm 2020 thì tỷ lệ tự kỷ lên đến gần 2% (1/54 trẻ). Đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra rối loạn và hầu hết các nhà khoa học cho rằng tự kỷ do đa nhân tố, có sự kết hợp phức tạp giữa GEN và môi trường gây nên.

Một số biểu hiện hay gặp của trẻ tự kỷ gồm:

Khó khăn về giao tiếp, ngôn ngữ

• Giảm khả năng giao tiếp, chia sẻ cảm xúc qua lại: như gọi trẻ ít quay lại, trẻ ít khi cười lại với mình, không khoẻ đồ chơi hay chỉ vật yêu thích của trẻ…

• Giảm khả năng giao tiếp không lời: ít nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện, ít biểu hiện cử chỉ, điệu bộ, nét mặt hay giọng nói của trẻ thiếu nhấn nhá như những trẻ khác…

• Giảm khả năng chơi tưởng tượng, ít mong muốn kết bạn, không bận tâm đến bạn cùng trang lứa… hoặc một số trẻ có thể kết bạn nhưng khó khăn để duy trì và phát triển mối quan hệ bạn bè

Trẻ có biểu hiện giao tiếp kém

Trẻ biểu hiện giao tiếp bình thường

Sở thích và hành vi của trẻ khác thường, một số biểu hiện thường gặp như

• Lặp đi lặp lại động tác, cách chơi đồ chơi hay lời nói.

• Hành vi cứng ngắc như thường sắp đồ chơi thẳng hàng, khi các món đồ chơi bị thay đổi thứ tự thì trẻ khó chịu và buộc phải điều chỉnh chúng lại đúng vị trí…

• Sở thích tập trung khác thường, trẻ có thể thích một vật trong nhiều tháng như một con gấu bông cũ, một đôi dép, cái mền… hoặc trẻ tập trung quá mức vào những chi tiết nhỏ…

• Trẻ tìm kiếm hoặc tránh né cảm giác, như nghe tiếng tông đơ hớt tóc có thể làm bé bịt tay khóc thét, nhưng khi té bé lại rất ít biết đau so với trẻ khác…

Hiện nay chưa có cách điều trị dứt điểm, đa số các phương pháp can thiệp được chứng minh có hiệu quả là can thiệp bằng giáo dục, tâm lý và hành vi… các phương pháp này nhằm tăng cường khả năng giao tiếp, hạn chế hành vi, giúp trẻ hòa nhập. Trong điều trị, cần can thiệp cho trẻ và hướng dẫn cho cả gia đình. Để điều trị hiệu quả, trẻ cần được can thiệp càng sớm càng tốt và tốt nhất là trước 2 tuổi. Bên cạnh đó, trẻ cần được can thiệp tích cực khoảng 40 giờ mỗi tuần và liên tục trong 2 năm. Chính vì cần có thời lượng can thiệp và sự tích cực rất lớn nên vai trò của phụ huynh góp phần quyết định trong can thiệp cho trẻ. Không chỉ có ba mẹ mà cả những người chăm sóc khác như ông, bà của trẻ cũng nên tham gia các lớp học can thiệp cho trẻ (có thể trực tiếp hoặc học online). Có được sự can thiệp thống nhất, liên tục, tích cực từ gia đình, giáo viên và chuyên viên can thiệp mới có thể giúp trẻ phát triển và hoà nhập.