Chậm phát triển

Ths.Bs.Trần Thiện Thắng

Chậm phát triển hay còn gọi là khiếm khuyết trí tuệ hay rối loạn phát triển trí tuệ được định nghĩa là một rối loạn khởi phát trong thời kỳ phát triển bao gồm cả thiểu năng trí tuệ và thích ứng trong các lĩnh vực nhận thức, xã hội.

Đặc điểm chung của khiếm khuyết trí tuệ là toàn bộ sự phát triển tâm thần nói chung, nhưng nổi bật lên là hoạt động trí tuệ bị trì trệ, kém phát triển hoặc không phát triển được. Như vậy không phải riêng trí tuệ mà các hoạt động tâm thần khác đều bị ảnh hưởng

Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra dịch tễ học của ngành Tâm thần thì tỷ lệ của rối loạn này xấp xỉ 1%.

Về nguyên nhân, có rất nhiều nguyên nhân gây ra chậm phát triển có thể kể đến như

Trước thời kỳ mang thai

  • Các yếu tố di truyền: Đơn yếu tố, đa yếu tố, các bất thường về gen nhiễm sắc thể.

  • Các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe cha mẹ.

Trong khi mang thai

  • Nhiễm trùng, nhiễm độc, tác động của các tia vật lý, thuốc hóa học...

  • Yếu tố cơ học: chấn thương.

  • Rối loạn nội tiết ở người mẹ: đái đường, bệnh ở tuyến giáp...

  • Không phù hợp nhóm máu: yếu tố Rh...

  • Tổn thương ở nhau thai và các yếu tố khác gây thiếu oxy cho thai nhi.

  • Rối loạn dinh dưỡng ở người mẹ.

  • Các yếu tố gây tổn thương tế bào sinh dục.

  • Các nguyên nhân không rõ.

Trong khi sinh

  • Đẻ thiếu tháng, thai ngạt, thiếu Vitamin K.

  • Chấn thương sản khoa.

Sau khi sinh

  • Các nhiễm trùng như viêm não, viêm màng não, các bệnh nhiễm trùng khác ảnh hưởng đến não.

  • Do thiếu dinh dưỡng, vitamin và các yếu tố vi lượng.

  • Chấn thương sọ não, các bệnh lý ảnh hưởng tới não.

  • Các rối loạn nội tiết, chuyển hóa ảnh hưởng tới não.

  • Các bất thường của hộp sọ ảnh hưởng đến phát triển của não và lưu thông của dịch não tuỷ.

  • Tính phản ứng của cá thể với cá nhân.

  • Các thiếu sót giác quan (mù, câm, điếc...).

  • Thiếu các kích thích tâm lý xã hội và điều kiện giáo dục chăm sóc.

Ngoài ra có khoảng 25% các trường hợp là không rõ nguyên nhân

Căn cứ vào đánh giá lâm sàng và chỉ số IQ, các tác giả Hoa Kỳ cũng như của Tổ chức Y tế Thế giới thống nhất chia chậm phát triển tâm thần (CPTTT) ra làm 4 mức độ, theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-10) chia như sau:

KKTT trầm trọng IQ <20

KKTT nặng IQ từ 20-34

KKTT vừa IQ từ 35-49

KKTT nhẹ IQ từ 50-69

Nguyên tắc điều trị

  • Việc điều trị dựa trên đánh giá nhu cầu xã hội, giáo dục, tâm thần và môi trường.

  • Điều trị khiếm khuyết trí tuệ là quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm của gia đình, xã hội. Chăm sóc chủ yếu ở ngoại trú và dựa trên cộng đồng...

  • Việc điều trị tại cộng đồng tạo điều kiện cho người bệnh phục hồi chức năng và tái thích ứng xã hội, tuy vậy khả năng phục hồi còn rất hạn chế, chỉ phát huy được những tiềm năng còn sót lại, làm cho trẻ có những tiến bộ về vận động, ngôn ngữ...